Chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động ngành gỗ và dệt may

Chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động ngành gỗ và dệt may
Ngày đăng: 10 tháng trước
    Chú thích ảnh
    Quang cảnh Hội nghị.

    Năm 2023, tình hình kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức, tình trạng thiếu đơn hàng tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực, khiến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đối với doanh nghiệp chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu hết quý III/2023 ước đạt 3.447,2 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16,9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Đối với ngành dệt may, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hiệp hội đạt khoảng 70% kế hoạch năm 2023. Kết quả trên cho thấy mức độ khó khăn, thử thách là không nhỏ.

    Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thanh Nhân, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương biểu dương sự chủ động của Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, kịp thời tham mưu giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp người lao động “an cư lạc nghiệp”, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh. "Bình Dương luôn coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của tỉnh, những khó khăn của người lao động chính là những vấn đề tỉnh ưu tiên giải quyết”, ông Bùi Thanh Nhân nói.

    Cũng theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương, giai đoạn khó khăn vừa qua là phép thử "sức đề kháng" đối với doanh nghiệp, dự báo thời gian tới còn nhiều tác động. Doanh nghiệp cần nắm bắt tốt công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, làm tốt công tác quản trị, tiết giảm chi phí, có nguồn lao động ổn định, có tay nghề, mối quan hệ khách hàng tốt. Người lao động cần khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ, ý thức chấp hành pháp luật, đồng hành cùng doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh.

    Tại hội nghị, có 13 nhóm vấn đề được các đại biểu nêu lên, tập trung vào những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải như: tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu hụt nguồn lao động; tình hình việc làm, đời sống; chính sách về bảo hiểm, điều kiện nhà ở, nhà trẻ, "tín dụng đen"... Các đại biểu cũng đề xuất các chính sách cụ thể liên quan đến việc di dời doanh nghiệp ngành gỗ vào các khu, cụm công nghiệp; chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn cho công nhân lao động. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến công nhân lao động ngành gỗ, ngành dệt may trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, cụ thể là hỗ trợ vé tàu xe cho công nhân lao động về quê đón Tết; thông tin thêm về gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân lao động...

    Chú thích ảnh
    Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. 

    Các đại biểu cũng trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đánh giá cụ thể những khó khăn tại doanh nghiệp. Những nội dung này đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tiếp thu, giải đáp kịp thời.

    Dịp này, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, chi nhánh tỉnh Bình Dương đã trao 30 phần quà (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng), tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại một số doanh nghiệp ngành dệt may và chế biến gỗ.